Thứ Năm, 21 Tháng Mười Một, 2024
HomeTổng quan du lịch7 loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam đặc sắc mà...

7 loại hình nghệ thuật truyền thống Việt Nam đặc sắc mà bạn có thể khám phá

Nghệ thuật Việt Nam hình thành và phát triển song hành với lịch sử phát triển không ngừng của nước Việt. Những sản phẩm nghệ thuật đầu tiên được tìm thấy ở đây có niên đại từ thời kỳ đồ đá. Trải qua gần một vạn năm, những gì còn đọng lại trong nền nghệ thuật của Việt Nam trở nên vô cùng phong phú, tinh tế, độc đáo và cuốn hút. Nó xứng đáng để trở thành trải nghiệm tuyệt vời cho mọi người.

cac loai hinh nghe thuat viet nam

Nếu bạn đang thắc mắc về việc khám phá loại hình nghệ thuật nào? Những sản phẩm nghệ thuật gì ở Việt Nam có thể trở thành một món quà hoàn hảo cho người thân? Có quá đắt đỏ để sở hữu một tác phẩm nghệ thuật Việt Nam đẹp? Accomer sẽ giới thiệu với các bạn 7 thể loại nghệ thuật Việt Nam nên khám phá.

1. Gốm Sứ

Có thể nói đây là loại hình nghệ thuật có nguồn gốc lâu đời nhất. Theo các nghiên cứu khảo cổ học, từ khoảng một vạn năm trước, những sản phẩm đồ gốm đầu tiên đã xuất hiện ở Việt Nam. Trải qua quá trình biến động, thay đổi của lịch sử, gốm sứ liên tục cải biên, hoàn thiện để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo của riêng mình.

gom xu bat trang hanoi
Một bộ sản phẩm gốm xứ. Ảnh: @bgomsu

Mặc dù, trong giai đoạn Bắc thuộc, gốm sứ Việt chịu sự ảnh hưởng không nhỏ từ phong cách gốm Trung Quốc, nhưng những sản phẩm của nghệ nhân Việt làm ra vẫn mang dấu ấn rất riêng. Nó là sự kết hợp giao thoa giữa văn hóa bản địa cùng kỹ thuật du nhập từ Trung Hoa, Ấn Độ, Campuchia và Chămpa.

Trong lịch sử, có thể nói giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật gốm sứ Việt Nam là vào thời Lý – Trần (1009- 1400). Ở giai đoạn này, quy mô sản xuất, kỹ thuật, chất liệu, lò nung đều có nhiều thay đổi phát triển.

Đến nay, nghệ thuật gốm sứ Việt Nam không chỉ phát triển trong nước mà còn được xuất khẩu rộng rãi trên thế giới. Sản phẩm làm ra ngày càng tinh xảo, độc đáo, thể hiện dấu ấn văn hóa truyền thống cùng phong cách hiện đại.

Những địa chỉ nổi bật để khám phá nghệ thuật gốm sứ Việt Nam:

  • Gốm sứ Bát Tràng: xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
  • Làng gốm Chu Đậu: huyện Nam Sách,tỉnh Hải Dương.
  • Làng nghề gốm Lái Thiêu- Tân Phước Khánh (Bình Dương): Thị xã Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
  • Làng gốm Thanh Hà: tp Hội An, tỉnh Quảng Nam
  • Gốm sứ Bầu Trúc: Thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Giá của những sản phẩm gốm sứ ở Việt Nam có sự giao động lớn phụ thuộc vào độ tinh xảo và mẫu mã cụ thể. Trong khi một bộ tách trà bao gồm đầy đủ ấm, chén có giá giao động từ vài trăm ngàn đến gần một triệu đồng. Thì giá của một đôi lộc bình có thể lên tới vài ba chục triệu. Tuy nhiên, bạn cũng có thể mua một chiếc tò he xuất thân từ làng gốm Thanh Hà, được bày bán khắp phố Hội An với giá 15.000 đồng. Do đó, tùy vào sở thích và nhu cầu sử dụng, bạn hoàn toàn có thể mua được sản phẩm gốm sứ với mọi khả năng về giá cả mà bạn muốn.

2. Đồ Sơn Mài

Đồ Sơn Mài là những sản phẩm gia dụng như bình, lọ, khay, hộp, tráp, tô, đĩa,… được chế tạo bằng kỹ thuật sơn mài. Đây là một kỹ thuật được phát triển nâng cao từ nghệ thuật sơn truyền thống. Nó bao gồm sự kết hợp của nhiềungành thủ công như: sơn; cẩn các loại vỏ trứng, sò,…; dán vàng, bạc; đánh bóng; trang trí; vẽ họa tiết; phủ màu; mài nước;…

do my nghe son mai
Đồ mỹ nghệ sơn mài rất cuốn hut. Ảnh: @tranminhtue2510

Để có một sản phẩm sơn mài hoàn hảo, người nghệ nhân thường mất đến 3 tháng để thực hiện với khoảng 20 công đoạn khác nhau. Tất cả các công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng và kỹ thuật tay nghề cao của người thợ.

Nếu nghệ thuật sơn mài truyền thống bị giới hạn bởi các màu sắc chủ đạo như cánh gián, đen và đỏ, thì ngày nay, màu sắc trên các sản phẩm sơn mài không còn bị hạn chế. Sự linh hoạt, tự do của màu sắc và phong phú của hình dáng đã đưa sơn mài lên đỉnh cao mới của nghệ thuật.

Sản phẩm Sơn Mài ngày nay vô cùng tinh tế và bắt mắt với màu sắc óng ánh, bóng bẩy, mịn màng. Nó hoàn hảo để trở thành đồ trang trí nghệ thuật cho mọi không gian sống, làm việc.

Những làng nghề sơn mài nổi bật như:

  • Làng nghề sơn mài Hạ Thái: xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội.
  • Làng nghề sơn mài Bối Khê: xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp: phường Tương Bình Hiệp, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Sản phẩm sơn mài được bày bán khá phổ biến tại hầu hết các tỉnh thành ở Việt Nam. Thật không khó để tìm thấy chúng tại các trung tâm mua sắm, chợ du lịch, hoặc các quầy hàng lưu niệm. Giá cả trung bình giao động từ năm mươi ngàn đến vài triệu đồng cho một sản phẩm phổ biến như chén, đĩa, bình hoa, hộp đựng giấy, hộp trang sức, khay,…

3. Tranh Sơn Mài

Sẽ là một thiếu sót nếu nói đến nghệ thuật Việt Nam mà bỏ qua nghệ thuật tranh sơn mài. Đây là một loại hình nghệ thuật khai sinh ra từ quê hương đất Việt. Cái nôi ban đầu của tranh sơn mài thuộc về trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, với những họa sĩ tiên phong mở đường như Trần Văn Cẩn, Đinh Văn Thành, Nguyễn Khang, Phạm Hậu, Nguyễn Gia Trí,…

tranh son mai viet nam
Tác phẩm sơn mài “Nghỉ chân bên đường” của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân. Ảnh: @baotangmtvn

Năm 1925, họa sĩ người PhápJoseph Inguimberty – giảng viên bộ môn trang trí trường Cao Đăng Mỹ Thuật Đông Dương, đã phát hiện ra nết độc đáo trong nghệ thuật sơn ta (laque). Ông đề xuất đưa sơn ta vào nghiên cứu, phát triển trong nghệ thuật vẽ tranh. Qua rất nhiều nghiên cứu thử nghiệm, sơn ta đã được nâng tầm lên vị thế mới để cho ra đời nghệ thuật Tranh Sơn mài độc đáo.

Chỉ sau chưa đầy mười năm, những bức tranh sơn mài hoàn chỉnh đã ra đời, tạo nên làn sóng nghệ thuật mới đầy hưng phấn. Năm 1937, lần đầu tiên tranh sơn mài Việt Nam bước chân đến Pháp trong hội chợ đấu xảo quốc tế ở Paris.

Giá trị của một bức tranh sơn mài nằm ở chiều sâu của tranh, độ bóng bảy tinh tế trên tác phẩm. Đặc biệt, nết đẹp lộng lẫy của một bức tranh sơn mài kéo dài khá lâu. Có lẽ, đây là thành quả của quá trình tạo tác công phu, tỉ mẩn và đầy tâm huyết của người họa sĩ.

Ngày nay, đến Việt Nam không khó để tìm thấy một địa điểm bán tranh sơn mài.  Ở hầu hết các thành phố lớn, tranh sơn mài được bày bán khá phổ biến trong các phòng tranh, quầy hàng lưu niệm, điểm tham quan tuyến phố du lịch. Giá của một bức tranh sơn mài có sự giao động rất lớn, từ chưa đến một triệu Việt Nam đồng đến hàng chục triệu đồng và nhiều hơn nữa cho một bức tranh giá trị tương xứng.

Những địa điểm bán tranh sơn mài tiêu biểu:

  • Green Palm Gallery: số 39 Hàng Gai, Hà Nội; hoặc số 49 Mạc Thị Bưởi, phường Bến Nghé, quận 1, tp Hồ Chí Minh.
  • Nguyen Art Gallery: số 31A, Văn Miếu, Hà Nội.
  • Apricol Gallery: số 40B Hàng Bông, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc số 50- 52 Mạc Thị Bưởi, Quận 1, tp Hồ Chí Minh.

4. Tranh Lụa

Nếu như tranh sơn mài là kết quả của quá trình tạo tác công phu trên nền chất liệu cứng, thô ráp như gỗ, sơn, vỏ trứng, sò,… thì tranh lụa lại là thành quả được tạo nên trên nền vải lụa mềm mại, kiêu sa.

tranh lua viet nam
Tác phẩm tranh lụa: Hoa trái quê hương của hoạ sĩ Lê Thị Kim Bạch. Ảnh: @baotangmtvn

Tranh lụa xuất hiện khá sớm ở các nước Á Đông, nơi có nền dệt lụa phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Thay vì vẽ tranh trên giấy, người họa sĩ sẽ tạo ra những tác phẩm mỹ thuật trên nền vải lụa tơ tằm mịn màng, mềm, mát và thấm hút tốt. Chính nét đẹp có trong bản thân nền lụa kết hợp nét vẽ tinh tế của người họa sĩ đã tạo nên những tuyệt tác trong trẻo, tinh khôi, uyển chuyển. Người nghệ sĩ vẽ lụa càng hiểu lụa và biết khai thác triệt để thế mạnh của loại chất liệu hội họa độc đáo này, tác phẩm cho ra càng sang trọng, kiêu sa.

Ở Việt Nam, tranh lụa được bày bán khá phổ biến ở hầu hết các phòng tranh. Giá của tranh lụa cũng phụ thuộc nhiều vào độ thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật của tranh. Tiêu biểu có những bức tranh lụa của họa sĩ Việt Nam có giá lên đến hàng triệu đô mỹ. Tuy nhiên, với những bức tranh lụa đạt giá trị thẩm mỹ dùng trang trí không gian sống, làm việc, giá của nó giao động từ 400.000 đồng cho đến 1.500.000đ. Với mức giá này, tranh lụa trở nên không quá kén chọn người mua.

5. Thêu tay

Nói đến nghệ thuật truyền thống Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua nghệ thuật thêu tay. Đó là một loại hình nghệ thuật gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa người Việt, như một mặc định có từ lâu đời: “Trai thì đọc sách ngâm thơ; Gái thì kim chỉ thêu thùa vá may”.

tranh theu tay viet nam
Một tác phẩm thêu tay. Ảnh: @taycraftvn

Trong lịch sử, hầu hết phụ nữ Việt Nam đều phải biết thêu tay, nó như quy định bắt buộc dành cho mọi cô gái. Ngày nay, thêu tay được đưa vào giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông làm môn học chính quy.

Thêu tay là hình thức mà người thêu dùng kim để trang trí những sợi chỉ khác màu lên nền vải nhằm tạo ra các họa tiết hoa văn đẹp mắt, cuốn hút như hoa cỏ, chim muông, cảnh vật,… Thêu tay có thể được thực hiện trên trang phục áo quần, khăn quàng cổ, khăn trải bàn, gối, vật dụng có chức năng trang trí, hoặc tạo nên những bức tranh thêu vô cùng giá trị.

Ở Việt Nam, giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật thêu tay là vào thời kỳ cai trị của vua Bảo Đại. Bà Từ Cung Hoàng Thái Hậu- Hoàng Thị Cúc cùng Nam Phương Hoàng Hậu đã có công lớn trong việc phát triển nghề thêu tay Việt Nam. Sản phẩm thêu lúc này vừa mang giá trị tinh hoa của thêu truyền thống vừa kết hợp được kỹ thuật thêu hiện đại của phương Tây, đồng thời lồng ghép nết thùy mị, tinh tế, đằm thắm của người con gái Huế.

Ngày nay, nghệ thuật thêu tay truyền thống mang màu sắc cung đình Huế vẫn còn được duy trì. Những địa chỉ uy tín để khám phá nghệ thuật thêu tay này, như:

  • XQ Việt Nam:
    • XQ Đà Lạt Sử Quán: số 80 Mai Anh Đào, Phường 8, tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
    • XQ Hà Nội: 138 Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, tp. Hà Hội
    • Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ Huế: 01 Phạm Hồng Thái, tp. Huế.
    • XQ Sài Gòn: 106 Lê Lợi, phường Bến Thành, quận 1, tp. Hồ Chí Minh

Ngoài những địa chỉ duy trì nghề thêu truyền thống mang phong cách triều đình Huế trên, thật không khó để tìm thấy sản phẩm của nghệ thuật thêu tay truyền thống ở Việt Nam. Từ những bức tranh thêu đặc sắc đến những sản phẩm trang trí, khăn áo có họa tiết thêu tay được bày bán khá nhiều ở các chợ, điểm du lịch, phòng tranh,… Các sản phẩm nghệ thuật thêu tay ở Việt Nam cũng không quá đắt đỏ. Tùy vào chất lượng nghệ thuật, kích thước của sản phẩm mà giá có thể từ vài trăm ngàn đồng lên đến vài triệu đồng hoặc nhiều hơn.

6. Đèn lồng Hội An

Hội An – cái tên nổi bật không thể không nhắc đến trên bản đồ du lịch Việt Nam. Thành phố nhỏ xinh này thu hút khách du lịch bởi quá nhiều điểm hấp dẫn đáng yêu riêng có của nó. Trong số vô vàn điểm cuốn hút làm nên Hội An là sự có mặt của đèn lồng xuất hiện khắp nơi trên phố cổ.

den long hoi an quang nam
Lung linh ánh đèn lồng ở Hội An. Ảnh: mailanmaik/pixabay

Hàng nghìn chiếc đèn lồng với đủ màu sắc, hình dáng được treo lên như tình yêu mà người dân Hội An dành cho nơi mình sống. Nó thể hiện ước mong hạnh phúc, may mắn, khỏe mạnh sẽ đến với tất cả mọi người trong gia đình, khu phố. Cũng chính những chiếc đèn lồng này giúp thắp lên bao vẽ lung linh, huyền ảo mỗi đêm cho phố cố và khu chợ đêm Hội An.

Sức cuốn hút mà đèn lồng Hội An mang đến cho du khách còn nằm ở giá trị nghệ thuật của nó. Là một sản phẩm thủ công được người dân trực tiếp làm bằng tay trên nền chất liệu vải lụa với đủ màu sắc và hoa văn bắt mắt. Vải được căng trên khung tre hoặc gỗ đã qua xử lý cẩn thận cùng tạo hình khéo léo.

Đèn có thể dễ dàng xếp nhỏ và mang đi như một loại hành lý gọn gàng. Độ bền của đèn lồng Hội An khá cao, nó thích hợp cho việc trang trí cả trong nhà hay ngoài trời. Giá cả của đèn lồng Hội An cũng tương đối dễ mua. Những chiếc đèn lồng cỡ nhỏ chỉ có giá vài chục ngàn đồng, trong khi giá của chiếc to hơn là vài trăm hoặc hơn một chút.

Đặc biệt, đến Hội An, khách có thể tham gia trải nghiệm trực tiếp làm đèn lồng cùng người địa phương. Một buổi học làm đèn lồng tại đây có giá giao động khoảng 200.000đ đến 300.000đ cho một người. Và nó xứng đáng là trải nghiệm thú vị để thử khi du lịch đến khu phố nhỏ xinh này.

Những địa chỉ học làm đèn lồng ở Hội An:

  • Đèn Lồng Việt: số 57 Bà Triệu, tp Hội An, tỉnh Quảng Nam
  • Đèn lồng Tiếng Vọng Phố: số 08 Trần Cao Vân, tp Hội An, tỉnh Quảng Nam
  • Đèn lồng Hà Linh: số 72 Trần Nhân Tông, phường Cẩm Châu, tp Hội An, tỉnh Quảng Nam

7. Nghệ thuật điêu khắc đá

Vẫn chưa có bất kỳ minh chứng lịch sử nào thể hiện chính xác niên đại ra đời của nghệ thuật điêu khắc đã mỹ nghệ ở Việt Nam. Nhưng có thể khẳng định, điêu khắc đá mỹ nghệ là một trong những ngành nghề nghệ thuật thủ công truyền thống xuất hiện rất sớm trên đất nước Đông Nam Á đáng yêu này.

lang da non nuoc da nang
Những tác phẩm điêu khắc đá ở làng đá non nước. Ảnh: Accomer

Người ta khẳng định rằng cái nôi của nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam nằm ở tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Từ đây, nghệ thuật điêu khắc đá tỏa ra nhiều nơi trên cả nước. Đến làng đá, bạn sẽ thấy người nghệ nhân mang tinh túy nghệ thuật thổi vào những tảng đá vô tri để cho ra đời tác phẩm mỹ nghệ mang hồn phách văn hóa và thời đại. Bắt đầu từ công đoạn chọn đá, khai thác đá, đến những bước cuối cùng để cho ra đời một sản phẩm có hình hài đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và công phu của người thợ. Họ phải làm việc cật lực trong tình yêu mãnh liệt dành cho đá.

Sản phẩm làm ra ở buổi ban đầu chủ yếu xoay quanh nhu cầu sử dụng thiết yếu như: cối đá, lọ hoa, ấm trà,… Cùng với sự phát triển của xã hội, những sản phẩm đồ đá ngày càng đa dạng về mẫu mã, hình dáng, kích thước. Ngày nay, đến các làng điêu khắc đá, người mua có thể tìm thấy rất nhiều lựa chọn khác nhau phù hợp với mục đích sử dụng của mình. Từ các mẫu hình nhỏ dùng trưng bày trong phòng khách, đến những tác phẩm mỹ nghệ cỡ lớn dùng trang trí sân vườn, cổng ngõ, nhà hàng, khách sạn,…

Giá cả sản phẫm đá mỹ nghệ cũng tùy thuộc vào kích cỡ, mẫu mã, chất liệu mà có sự chênh lệch khá lớn. Tuy nhiên, hầu hết các đánh giá đều cho rằng, khoản chi phí bỏ ra để sở hữu một sản phẩm nghệ thuật đá mỹ nghệ tinh tế từ Việt Nam là hoàn toàn phù hợp trong mong chờ của người mua.

 Hiện nay, vẫn còn nhiều làng nghề điêu khắc đá nổi tiếng như:

  • Làng đá Nhồi: nằm trên địa phận phường An Hoạch và các xã Đông Hưng, Đông Tân, tp Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa
  • Làng đá Non Nước: phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, tp Đà Nẵng
  • Làng đá Ninh Vân: xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình

Có thể nói, 7 loại hình nghệ thuật mà Accomer vừa giới thiệu là những loại hình nghệ thuật truyền thống nổi bật của Việt Nam. Nếu bạn muốn hiểu hơn về vẻ đẹp của đất nước xinh đẹp này, bạn đừng bỏ qua cơ hội khám phá các loại hình nghệ thuật độc đáo này nhé. Đó sẽ là trải nghiệm thú vị, và người khám phá không chỉ được nghe, nhìn, chạm tay vào sản phẩm mà còn có thể trực tiếp làm ra sản phẩm và mang đi như món quà lưu niệm đáng giá.

Xuân Thịnh
Người yêu thích du lịch, Thạc sĩ Ngôn Ngữ và Cử nhân Báo Chí, mong đóng góp những bài viết chất lượng về điểm du lịch, dịch vụ, và trải nghiệm đến với đọc giả.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here