Thứ Năm, 21 Tháng Mười Một, 2024
HomeDu lịch HuếChùa Thiên Mụ: Ngôi chùa linh cổ nhất xứ Huế

Chùa Thiên Mụ: Ngôi chùa linh cổ nhất xứ Huế

Chùa Thiên Mụ hay còn được gọi Chùa Linh Mụ nằm cách trung tâm thành phố Huế 5km về hướng tây. Ngôi chùa tọa lạc trên một ngọn đồi với thế rồng ẩn, đầu quay ra bờ bắc sông Hương. Nơi này có đầy đủ yếu tố phong thủy tốt cho sự phát triển phật giáo, tu hành.

chua thien mu hue
Chùa Thiên Mụ Huế. ©Accomer

1. Địa chỉ chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ nằm trên đồi Hà Khuê, thuộc xã Hương Hòa, Thừa Thiên Huế.

Để dễ dàng cho việc định vị, bạn có thể tìm thấy địa chỉ chùa trên google map tọa lạc tại: Đường Nguyễn Phúc Nguyên, Thành Phố Huế, Thừa Thiên Huế, Việt Nam.

2. Sự tích chùa Thiên Mụ

Xưa kia, khu vực đồi Hà Khuê cây cối khá rậm rạp. Trên ngọn đồi có một ngôi chùa nhỏ làm nơi cầu tự linh thiêng của người dân địa phương.

chua thien mu hue vietnam
Cảnh Chùa Thiên Mụ nhìn từ cổng Tam Quan. ©Accomer

Năm 1601, khi chúa Nguyễn Hoàng di hành từ Bắc vào khu vực Phú Xuân – Thừa Thiên Huế ngày nay, để tìm nơi đóng đô, xây dựng cơ đồ, đã dừng chân nghỉ ngơi tại khu vực đồi Hà Khê này.

Trong lúc nghỉ ngơi ở đây, Nguyễn Hoàng đã được báo mộng. Trong mộng, Ngài thấy một người phụ nữ mặc áo đỏ quần xanh đứng trên ngọn đồi Hà Khê bảo “Phải có chân chúa đến dựng chùa ở đây, mà thu góp khí thiêng để giữ vững long mạch”. Và chỉ rằng “cầm nén hương đi dọc bờ sông đến khi hương tắt thì đó là nơi đóng đô”.

Sau khi tỉnh dậy, Nguyễn Hoàng làm theo lời chỉ bảo của người phụ nữ trong giấc mộng. Chúa đã tìm thấy cho mình vùng đất thuận lành để định đô, và đó là khu vực Hoàng Thành còn tồn tại cho đến ngày nay.

Đồng thời, ngay sau đó, Chúa Nguyễn Hoàng cho mở rộng hết ngọn đồi Hà Khê, xây dựng ngôi chùa khang trang để làm nơi thờ phụng Kinh Phật. Ban đầu, Chùa được đặt tên là Thiên Mụ, nghĩa là “Người đàn bà nhà trời”. Dưới thời vua Tự Đức, vì lý do sợ chữ “Thiên” phạm húy nhà trời nên Chùa được đổi tên thành Linh Mụ.

Ngày nay, cả tên Thiên Mụ và Linh Mụ đều được người dân sử dụng khi nhắc đến ngôi Chùa này. Trải qua thời gian, Chùa vẫn tồn tại trong lòng người dân Huế như một nơi linh thiêng để dâng hương lên Phật, cầu nguyện cho Quốc thái dân an, cùng những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình, người thân.

3. Ba điểm đặc biệt ở chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ tương đối rộng lớn, bao gồm nhiều công trình lớn nhỏ, với khá nhiều điểm thú vị đang chờ bạn khám phá. Trong đó, có 3 điểm đặc biệt được nhiều người quan tâm:

3.1. Chuông chùa Linh Mụ không kêu

Nằm bên trái Tháp Phước Duyên có một nhà tháp nhỏ, bên trong bảo quản bảo vật Đại Hồng Chuông hay còn gọi là Đại Hồng Chung. Đại Hồng Chung được đúc vào năm 1710, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Chuông nặng hơn 2000kg, cao 2,5m và đường kính miệng rộng 1,4m cùng nhiều hoa văn tinh xảo được khắc trên thân.

Điều đặc biệt là quả chuông lớn mang nhiều giá trị văn hóa lịch sử này lại không kêu. Từ rất lâu rồi, Chuông đã không còn được gióng lên những hồi thanh âm vang vọng.

Tương truyền rằng, xưa kia Đại Hồng Chung kêu rất thanh, vang rất xa vào mỗi sáng sớm. Tuy nhiên, vào một ngày nọ, có đôi nam nữ vô tình dấu mình dưới chuông và thể thiện tình yêu cùng nhau. Từ đó, chuông bỗng không kêu được nữa. Mặc dù vậy, Chuông vẫn là bảo vật hết sức ý nghĩa gắn liền với ngôi chùa.

chuong chua thien mu
Chuông Chùa Thiên Mụ. ©Accomer

3.2. Chiếc xe Austin cổ

Chiếc xe cổ Austin đang được trưng bày tại chùa Thiên Mụ mang giá trị lớn về ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tôn giáo. Năm 1963, Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã lái chiếc xe cổ này đến ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng – Sài Gòn (nay là ngã tư Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) để tự thiêu nhằm phản đối chính sách đàn áp Phật Giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Tuy ban đầu, Hòa Thượng Thích Quảng Đức và chiếc Austin cổ này đều không thuộc chùa Thiên Mụ. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do Huế là trung tâm Phật Giáo của Miền Trung và cả nước. Do đó, chiếc xe gắng với sự kiện lịch sử đặc biệt này được đưa về trưng bày ở chùa Thiên Mụ – ngôi chùa có bề dày lịch sử của Huế.

Mục đích là để phật tử chúng sinh biết, nhớ đến sự hy sinh và mong mỏi tự do phật pháp trong đời sống người dân Việt Nam của Hòa Thượng Thích Quảng Đức.

3.3. Tượng phật bằng vàng trên đỉnh tháp Phước Duyên

Ngay khi bước vào chùa, công trình ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách chính là tòa tháp cao bảy tầng – tháp Phước Duyên. Hầu hết du khách khi đến đây, đều tranh thủ lưu lại bức ảnh kỷ niệm đứng dưới chân tháp.

thap phuoc duyen hue
Trên đỉnh Tháp Phước Duyên có một tượng bằng vàng. ©Accomer

Điều đặc biệt nằm ở tầng cuối cùng của tòa tháp, nơi từng bảo giữ một bức tượng phật được làm bằng vàng ròng. Tuy nhiên, bức tượng đặc biệt này đã không còn nữa, và không ai biết nó đang lưu lạc ở đâu.

Ngoài ra, cổng lên tháp thường đóng kín. Vì thế có rất ít người đủ duyên được một lần đặt chân vào bảo tháp. Đó cũng là lý do khiến nhiều người mường tượng ra những điều kì bí vẫn đang được ẩn dấu trên tầng cao nhất của tháp Phước Duyên.

4. Kiến trúc chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ nhất ( ). Tức mọi công trình kiến trúc chính như bốn trụ biểu, đình Hương Nguyện, tháp Phước Duyên, cổng Tam Quan, Đại Hùng Bảo Điện, điện Địa Tạng, điện Quan Âm, tháp tổ, đều được xây dựng theo một trục thẳng từ trước ra sau, bố trí cân đối, rõ ràng.

dai hung dien chua thien mu
Chính điện của Chùa Thiên Mụ nhìn từ phía sau. ©Accomer

Bốn trụ biểu trước chùa được thiết kế tạo thành lối đi khá thông thoáng. Điều đặc biệt là thiết kế của bốn trụ biểu này không có mái che tạo cảm giác đất trời giao lưu, mang lại sự gần gủi, thân thiện với tất cả mọi người khi đến thăm viếng Chùa.

Trên mái điện thờ được trang trí rồng và vòng tròn luân hồi. Các hình tượng rồng tương đối đơn giản, không quá cầu kỳ như rồng trên các cung điện trong Đại Nội hay lăng tẩm của vua nhà Nguyễn.

5. Hướng dẫn tham quan Thiên Mụ Tự

5.1. Đường đi đến chùa

Có nhiều lựa chọn khác nhau cho cách thức di chuyển đến chùa Thiên Mụ bao gồm cả đường thủy và đường bộ. Nếu đây là lần đầu bạn đến Huế hoặc còn nhiều bỡ ngỡ chưa biết nên di chuyển theo hướng nào, mục nhỏ này của bài viết sẽ giúp bạn giải đáp.

Đường thủy:

Từ bến Tòa Khâm, nằm ngay bên cạnh nhà hàng nổi sông Hương, hãy bắt một chiếc thuyền rồng để ngược dòng về phía thượng nguồn cho hành trình thưởng ngoạn sông Hương và tham quan chùa Thiên Mụ.

thuyen rong tham quan chua thien mu
Thuyền rồng tham quan Chùa Thiên Mụ. ©Accomer

Nếu số lượng người trong nhóm của bạn dưới 8, bạn nên chọn một thuyền đơn để có giá rẻ hơn. Từ 9 người trở lên, bạn cần chọn thuyền đôi rộng rãi để thoải mái ngắm cảnh và đảm bảo an toàn.

Giá mỗi loại thuyền chênh lệch nhau khá nhiều. Mỗi chuyến thuyền đơn có giá từ 300.000VND, trong khi giá thuyền đôi là từ 600.000VND đến 700.000VND cho một chiều.

Tuy vậy, giá này chỉ mang tính chất tham khảo, bởi vào từng thời điểm khác nhau giá sẽ không giống nhau. Đặc biệt, nếu rơi vào đúng thời điểm lễ hội Điện Hòn Chén, giá thuyền có thể lên gấp đôi hoặc nhiều hơn.

Đường bộ:

Đường bộ là lựa chọn ưu tiên của hầu hết du khách nếu chỉ để tham quan chùa Linh Mụ, vì dễ đi, nhanh chóng và tiết kiệm.

Bạn có thể lựa chọn thuê xe đạp, xe máy ở trung tâm thành phố Huế để làm phương tiện tự lái, hoặc sử dụng dịch vụ taxi hay ô tô riêng đều được.

Nếu đi xe đạp, con đường sát bờ sông Hương, xuyên qua công viên, có thể được xem là lối đi xe đạp đẹp nhất Huế. Bạn đừng bỏ lỡ lối đi này nhé.

Giao thông trên đoạn đường di chuyển đến chùa khá thông thoáng và thuận tiện. Từ đầu phía bắc cầu Phú Xuân, bạn dọc theo đường Lê Duẫn, ngang qua trước mặt Đại Nội. Tiếp tục đi thẳng trên con đường nằm song song với dòng sông Hương về hướng tây thành phố Huế tầm 4km là đến điểm mong đợi.

5.2. Bãi xe tham quan chùa

Để tham quan chùa, bạn sẽ đậu xe ở bãi đậu cạnh chùa. Bãi đậu xe ô tô rất rộng rãi, và có nhà vệ sinh cho những ai có nhu cầu sử dụng (có thu phí).

bai do xe tham quan chua thien mu
Bãi đỗ xe tham quan chùa Thiên Mụ. ©Accomer

Đi hết bãi đậu ô tô sẽ đến bãi giữ xe máy nằm dưới táng cây rất mát mẽ. Giá giữ xe cho một lượt gửi là 5.000 đồng.

Từ bãi gửi xe máy, du khách chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn nữa là đến chùa, bắt đầu hành trình khám phá của mình.

5.3. Khám phá chùa Thiên Mụ

Viếng thăm chùa Thiên Mụ theo ba khu vực chính:

Khu vực phía trước:

Khung cảnh chùa mở ra bằng hình ảnh bốn cột trụ biểu và những bậc thang dẫn lối lên Chùa. Bước qua những cột trụ biểu này là bạn đã bước vào khu vực phía trước của Chùa.

Công trình kiến trúc nổi bật nhất ở khu vực đầu tiên này là Tháp Phước Duyên cao 7 tầng. Tháp được xây dựng vào năm 1844 dưới thời vua Thiệu Trị, mục đích để cầu lộc và phước lành cho mẹ vua.

thap phuoc duyen chua thien mu
Tháp Phước Duyên nổi bậc ở khu vực trước chùa. ©Accomer

Hai bên tháp Phước Duyên có bốn nhà tháp nhỏ. Hai nhà tứ giác ở phía trước để hai văn bia thời Thiệu Trị. Hai nhà lục giác nằm phía sau lưu giữ chuông và văn bia thời Nguyễn Phúc Chu, bao gồm văn bia nằm ở bên phải và Đại Hồng Chung bên trái.

Khu vực này được xem là nơi lý tưởng để chụp ảnh kỷ niệm, ngắm Sông Hương, đồi núi hay làng mạc từ phía xa xa.

song huong truoc chua thien mu
Sông Hương nhìn từ chùa Thiên Mụ. ©Accomer

Khu vực trung tâm – từ cổng tam quan đến Điện thờ Quan Âm:

Đây là khu vực chính với nhiều công trình kiến trúc quan trọng nhất.

Đầu tiên là cổng Tam Quan. Cổng khá uy nghiêm và vững chãi, bao gồm 2 tầng. Tầng trên là nơi thờ chúa Nguyễn Hoàng và “Bà Mụ” đã báo mộng cho Chúa. Tầng dưới được thiết kế tạo thành 3 lối vào. Ở mỗi lối vào có tượng 2 vị Hộ Pháp được xây đắp khá công phu, tỉ mỉ.

cong tam quan chua thien mu
Cổng tam quan của chùa. ©Accomer

Lưu ý: mặc dù ở cổng Tam Quan có một chiếc thang gỗ nhỏ dẫn lên tầng 2, nhưng vì lý do trang nghiêm và an toàn, chúng tôi khuyến cáo du khách không nên khám phá vị trí này.

Đại Hùng Điện hay còn gọi là Chánh điện, là nơi thờ phật cũng như thực hành các nghi lễ cầu, cúng chính của Chùa. Đại điện được xây theo lối kiến trúc nhà rường Huế nhưng hoa văn trang trí trên mái hay cách bố trí các ô hộc bên trong lại mang hơi thở cung đình Huế xưa.

Nhìn chung, chính điện có cấu trúc khá đơn giản, kể cả trang trí và hệ tượng được trưng bày ở đây. Ngay khi bước vào Đại Hùng Điện, du khách sẽ bắt gặp pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng. Đi qua khỏi bức tượng này sẽ bước vào ba gian thờ chính. Ở gian giữa thờ Tam Thế Phật tượng trưng cho ba thời: quá khứ – hiện tại – tương lai. Hai bên thờ Phổ Hiền bồ tát và Văn Thù bồ tát.

dai hung dien chua thien mu
Phía trong của Đại Hùng Điện. ©Accomer

Nếu bạn muốn thắp hương, phía trước Điện có án hương to, nằm ngay lối đi chính giữa, để bạn thực hiện điều đó.

Vòng qua lối đi phía trái để đến phía sau chính điện, bạn sẽ bắt gặp khu vườn rộng lớn với nhiều cây cảnh. Đặc biệt chú ý đến chiếc xe cổ Austin được trưng bày cùng với hình ảnh cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vào năm 1963.

Tiếp theo là Điện Địa Tạng Vương, nơi thờ các linh hồn được gởi gắm vào chùa. Và sau cùng là điện thờ Phật Bà Quan Âm.

dien tho quan am
Toà nhà thờ Quan Âm. ©Accomer

Khu vực sau cùng:

Khu vực cuối bao gồm mộ tổ Sư Trụ Trì Thích Đôn Hậu – vị trụ trì có công lớn đóng góp cho sự phát triển chùa Linh Mụ và phật giáo ở Thừa Thiên Huế.

Bao bọc xung quanh là rừng thông, tạo khung cảnh rất yên bình nơi đây.

khu vuc sau cua chua thien mu
Khu vực phía sau Chùa Thiên Mụ. ©Accomer

6. Lưu ý khi đi chùa Thiên Mụ

Tham quan chùa Thiên Mụ, cũng như những ngôi chùa khác ở Huế – như Chùa Huyền Không Sơn Thượng, bạn nên chú ý:

  • Không mặc áo crop top, áo hai dây.
  • Không mặc quần hay váy quá ngắn, trên đầu gối khi vào khu vực trung tâm và chính điện.
  • Hãy lựa chọn trang phục kín đáo, lịch sự để đảm bảo sự trang nghiêm khi đến đây.
  • Không để xe lung tung, ngoài khu vực quy định bãi giữ xe. Bạn có thể bị phạt.
  • Không tự động rung chuông, viết vẻ lên tường hay vật trang trí ở chùa.
  • Nên đi nhẹ, nói khẽ. Chụp ảnh thoải mái, nhưng không nên tạo những tư thế kỳ quái khi ở chùa.
  • Buổi trưa tầm 11h – 1h chiều, chính điện thường hay đóng cửa nghỉ trưa. Nếu bạn muốn cầu kinh thì chú ý giờ này để sắp xếp thời gian phù hợp.
  • Thời điểm thích hợp nhất để có những bức ảnh đẹp là vào lúc sáng sớm và chiều muộn. Nếu vì mục đích có được những tấm ảnh đẹp, hãy chú ý lựa chọn những khung giờ này nhé.
Xuân Thịnh
Người yêu thích du lịch, Thạc sĩ Ngôn Ngữ và Cử nhân Báo Chí, mong đóng góp những bài viết chất lượng về điểm du lịch, dịch vụ, và trải nghiệm đến với đọc giả.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here