Chợ là nét đặc trưng trong văn hóa người Việt Nam. Vì thế, nếu muốn tìm hiểu văn hóa vùng đất nào đó một cách nhanh nhất, hãy đến chợ. Tại đây, bạn sẽ có được cái nhìn tổng quan về lối sống, cách ứng xử qua việc trao đổi buôn bán của người dân. Và Hội An không là ngoại lệ.
Những khu chợ ở Hội An mang nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng biệt. Chợ Trung Tâm là cửa ngõ vào khu phố cổ với đủ loại sản vật, màu sắc. Chợ cá Thanh Hà chuyên cung cấp hải sản sỉ, lẻ cho Hội An và các vùng lân cận. Trong khi đó, hai khu chợ nổi tiếng khác là Chợ Ông Cọp và Chợ Bà Lê lại chuyên dành cho hoạt động mua bán các mặt hàng nhu yếu phẩm thường nhật của người địa phương.
Hãy tìm hiểu từng khu chợ ở Hội An để có được những thông tin cần thiết nhé!
1. Chợ Trung Tâm Hội An
Chợ Trung Tâm, còn được gọi là Chợ Hội An, nằm ngay cửa ngõ dẫn vào khu Phố Cổ. Vị trí tọa lạc đắc địa đã giúp khu chợ này trở thành một trong những điểm tham quan hút khách. Chợ bày bán đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày, như các loại rau xanh, tôm, cua, cá, thịt, … Ngoài ra, du khách cũng có thể tìm thấy ở đây các loại vải vóc, áo quần, đặc sản địa phương, hàng lưu niệm, …
Chợ Trung Tâm cũng là khu chợ có diện tích lớn nhất ở Hội An, kéo dài từ đường Hoàng Diệu (đầu cầu Cẩm Nam) đến đường Trần Quý Cáp (trung tâm khu phố cổ Hội An). Chợ bao gồm nhiều khu vực:
- Dọc bờ sông là khu vực bán hải sản.
- Tòa nhà ở đường Hoàng Diệu bán các mặt hàng khô.
- Tòa nhà giáp đường Trần Quý Cáp là Chợ Ẩm Thực Hội An, và khu vực bán các loại thịt gia súc, gia cầm.
- Khu chợ vải Hội An nằm giữa khu ẩm thực và thực phẩm khô.
Một trong những điều đặc biệt ở chợ Hội An là khu vực ẩm thực được tổ chức khá gọn gàng, sạch sẽ. Do đó, du khách có thể có cơ hội thưởng thức các món ăn địa phương đậm chất đường phố tại đây, như: bánh mì, bánh xèo, mì Quảng, cháo vịt, chè,…
Chợ nằm trong khu Phố Cổ, vì thế, nếu bạn sử dụng xe riêng hay taxi, hãy đậu ở bãi xe nằm góc đường Hoàng Diệu và Phan Chu Trinh. Tiếp tục đi bộ thêm một đoạn ngắn nữa để khám phá Chợ Trung Tâm Hội An.
Thời gian mở cửa tại chợ Hội An: từ 6:00 sáng đến 6:00 tối tất cả các ngày trong tuần. Thời gian chợ đông nhất vào tầm 7:30 am đến 9:30am.
2. Chợ Cá Thanh Hà
Nếp mình bên bờ Sông Thu Bồn, cách trung tâm Phố Cổ chừng 3km về phía Tây, Chợ cá Thanh Hà nằm ngay lối rẽ vào làng gốm Thanh Hà. Chợ cá này đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng nguồn hải sản cho nhà hàng, khách sạn, các khu chợ lớn nhỏ trên khắp địa bàn Hội An cùng những thị trường lân cận.
Chợ bắt đầu từ 3 giờ sáng mỗi ngày, khi mà chủ các vựa hải sản, người buôn hàng sỉ, lao động khuân vác từ khắp nơi đổ về chợ, chờ đợi chuyến tàu đầu tiên cập bến.
Hoạt động mua bán diễn ra hết sức nhanh chóng, dứt khoát. Hàng tấn cá, tôm còn óng ánh màu biển khơi được đưa lên bờ bởi những người đàn ông lực lưỡng. Họ tiến hành phân loại, cân đong vô cùng chuyên nghiệp, chóng vánh. Ngay sau đó, hải sản được chuyển lên từng chuyến xe lớn, nhỏ chở đi khắp nơi đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hàng ngày của người dân.
Khoảng thời gian từ 5 giờ đến 5 giờ 30 phút sáng là lúc chợ cá nhộn nhịp hơn hẳn. Tàu cá ra vào tấp nập, việc mua bán càng trở nên gấp gáp. Tiếng gọi nhau, tiếng hối thúc, tiếng cân đong, trả giá hòa cùng giọng cười đùa của người mua kẻ bán vang rộn cả một vùng.
Mặc dù, mọi hoạt động mua bán chỉ xoay quanh cá, tôm, cua, ghẹ mang về từ biển khơi, nhưng chợ cá Thanh Hà thật sự là thước phim sống động của cuộc sống.
Du khách đến đây sẽ cảm nhận được sức sống dịu kỳ của con người, niềm hăng say lao động hòa cùng sự hứng khởi trước thành quả sau chuyến ra khơi miệt mài. Hay đơn giản, chỉ với sắc biển tươi nguyên trên từng sọt cá đầy ắp, cũng đủ để gợi lên niềm tin về cuộc sống sung túc, no đủ.
Thời gian tốt nhất trong ngày để tham quan chợ cá rơi vào khoảng từ 5 giờ đến 5 giờ 45 phút sáng.
Với thời gian trong năm: hải sản có quanh năm ở chợ cá Thanh Hà, nhưng nhiều nhất là vào tháng 9, 10. Do đó, hai tháng này được xem như thú vị nhất để tham quan chợ cá.
Phương tiện di chuyển thích hợp khi tham quan chợ cá là ô tô hoặc taxi. Nhưng tốt nhất, hãy đặt một chiếc ô tô cùng tài xế từ hôm trước, điều đó sẽ chắc chắn rằng kế hoạch đến chợ cá vào sáng sớm hôm sau của bạn không bị chậm trễ.
Một vài lưu ý khi tham quan chợ cá Thanh Hà
+ Khi tham quan chợ cá, du khách cần lưu ý chọn vị trí đứng, chụp ảnh phù hợp để tránh ảnh hưởng đến hoạt động mua bán đang diễn ra hết sức vội vàng của người dân.
+ Nhớ nạp đầy pin cho máy ảnh trước khi khởi hành. Đồng thời đừng quên đeo dây bảo vệ máy ảnh lên tay cẩn thận trong suốt thời gian ở chợ. Việc làm này có thể giúp bạn tránh được nguy cơ rơi hỏng máy nếu vô tình va phải người lao động tại chợ.
3. Chợ Ông Cọp
Nếu chợ cá Thanh Hà đảm nhận vai trò nguồn cung ứng hải sản chính cho Hội An, chợ Trung Tâm nổi tiếng với khách du lịch gần xa, thì chợ Ông Cọp là khu chợ dân sinh của đông đảo người dân bản địa.
Chợ Ông Cọp, còn có tên chợ Tân An, tọa lạc tại tổ 3, khối Xuân Mỹ, phường Tân An, cách trung tâm Phố Cổ tầm 1km về phía bắc. Chợ cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm thường nhật cho người dân địa phương như thịt, cá, rau, củ, quả,…
Đặc biệt, hầu hết rau xanh được bán ở chợ Tân An đều có nguồn gốc từ làng rau Trà Quế, nơi chuyên canh rau xanh hữu cơ của Hội An. Nhờ đó, rau ở đây luôn luôn tươi, non và có mùi thơm đặc trưng vô cùng tuyệt vời.
Đối với khách du lịch, ngoài việc đây là khu chợ dân sinh đông đúc nhất nhì Hội An, thì cái tên Ông Cọp cũng tạo nên sự kích thích cho không ít bộ não tò mò.
Theo lời kể của những người lớn tuổi sống quanh chợ, trước đây, khu vực này chỉ là bãi cát hoang hóa với cây bụi mọc um tùm. Vì thế, lũ cáo, chồn, mèo hoang tập trung về đây đào hang trú ngụ. Hằng đêm, chúng lẻn vào nhà dân bắt trộm gà, vịt và phá phách các loại lương thực tích trữ.
Mặc dù, đã tìm đủ mọi cách nhưng dân làng vẫn không thể xua đuổi được đám chồn hoang này. Bỗng một hôm, họ nghe thấy tiếng hổ gầm vang dội giữa đám cây bụi rậm rạp. Cũng từ đó, lũ cáo chồn mèo hoang ít dần và không còn nữa. Tài sản của người dân bớt mất mát, hư hao.
Không lâu sau, người dân phát hiện xác một con hổ chết với rất nhiều vết thương trên mình. Họ cho rằng, hổ bị tấn công ở rừng nên tìm đến đây trú ẩn. Nhờ có sự xuất hiện của hổ mà dân làng thoát khỏi sự phá hoại của các loài vật hoang. Do đó, họ đã chôn cất và xây miếu thờ để tỏ lòng biết ơn con hổ.
Theo tiếng địa phương, con hổ vẫn được gọi là con Cọp. Nên ngôi miếu thờ hổ được xây dựng ở Tân An mang tên Miếu Ông Cọp. Ngày nay, khi đến Miếu Ông Cọp, bạn sẽ thấy một bức bình phong phía trước với hình một con hổ rất dũng mãnh.
Khu miếu thờ hiện tại được xây dựng vào năm 1963. Chợ Tân An nằm cạnh ngôi miếu thờ này, vì thế, người địa phương quen gọi chợ Tân An là chợ Ông Cọp hay chợ Miếu Ông Cọp.
Chợ mở cửa cả ngày. Tuy vậy, thời gian đông đúc nhất thường kéo dài từ 6 giờ sáng đến 9 giờ sáng. Nếu bạn muốn đến tham quan chợ, hãy để ý đến khung giờ để cảm nhận được sự đông vui ở nơi đây nhé!
4. Chợ Bà Lê
Thuộc địa phận đường Lê Thánh Tông, chợ Bà Lê là tên gọi thân mật của chợ Cẩm Châu, nằm cạnh điểm giao nhau với đường Cửa Đại nối phố cổ Hội An với biển Cửa Đại. Vị trí này giúp chợ Bà Lê không chỉ là khu chợ dân sinh thu hút đông đảo người địa phương, mà còn vô cùng thuận lợi cho du khách ghé mua một vài thứ cần thiết khi đi biển.
Mặc dù, có diện tích không quá lớn, chợ Bà Lê vẫn đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về nhu yếu phẩm thường ngày cho người dân quanh khu vực.
Khi bước vào chợ, du khách sẽ thấy bên trái là khu ẩm thực, bao gồm những món ăn phổ biến ở địa phương như: hủ tiếu, phở, bún, bánh mì,… Bên phải bày bán các loại thực phẩm tươi sống.
Một trong những điều thú vị nhất khi đến Chợ Bà Lê là thưởng thức tô hủ tiếu Nam Vang. Mùi thơm lừng của hành ngò, béo ngọt của nước xương và tôm thịt cuốn hút đến lạ.
Khi được hỏi về cái tên Chợ Bà Lê, người dân ở đây kể lại rằng: Trước kia, nơi này chỉ là khu đất trống. Có một người phụ nữ tên Lê thường hay mang một vài món hàng nông sản được nuôi trồng trong gia đình, như gà, trứng, rau, củ, bầu, bí,… ra đây bán. Dần dần, những người xung quanh cũng học theo bà Lê, mang sản phẩm có trong nhà ra ngồi bán cùng. Cứ thế, theo thời gian, chợ được hình thành và mang tên Chợ Bà Lê, cái tên gắn liền với nguồn gốc hình thành nên chợ.
Giống với chợ Ông Cọp, chợ Bà Lê mở cửa cả ngày. Thời gian chợ đông nhất là trước 8:30 sáng và sau 4 giờ chiều.
Chợ Bà Lê có diện tích nhỏ, nên du khách chỉ cần tầm 20- 30 phút để đi một vòng quanh chợ. Vì thế, chúng tôi gợi ý, bạn có thể kết hợp ghé tham quan địa điểm này trong cùng hành trình di chuyển giữa Phố Cổ đến biển Cửa Đại hoặc ngược lại.
>> Xem thêm: Chợ đêm Hội An.
Thông qua việc quan sát người dân trao đổi, mua bán, trả giá tại các khu chợ, bạn sẽ thấy được phần nào tính cách, văn hóa con người và vùng đất Hội An.
+ Họ là những con người chất phát, thật thà và thân thiệt. Điều này thể hiện qua cách mua bán, trả giá vô cùng thoải mái. Người bán không nói thách nhiều, người mua cũng vô tư trong cách chọn hàng, không kỳ kèo bớt một thêm hai.
+ Nổi trội ở các chợ Hội An là rau xanh và cá nước mặn luôn luôn tươi ngon. Đó là kết quả lao động chăm chỉ của người dân trên mảnh đất trù phú cả nông sản và hải sản.
+ Du khách cũng dễ dàng nhận ra cách giao tiếp thân tình, gần gũi giữa những người ở chợ. Thậm chí, nhiều người còn có thể bỏ ra hàng giờ để trao đổi với nhau về một vấn đề gì đó. Nó thể hiện tính gắn kết cộng đồng rất chặt chẽ của người bản địa.
+ Điểm đặc biệt không thể bỏ qua là tính cách nhiệt tình, cởi mở và hiếu khách của người Hội An. Bất kể bạn đến từ đâu, bạn nói ngôn ngữ nào, âm điệu ra sao, chỉ cần bạn đến với Hội An, kể cả chốn chờ đò lao xao, đều được người địa phương chào đón nồng nhiệt như một người bạn chân thành.
Vì vậy, hãy liệt kê những ngôi chợ này vào danh sách những trải nghiệm nổi bật ở Hội An nhé!