Thứ Tư, 4 Tháng Mười Hai, 2024
HomeTổng quan du lịch10 sự thật thú vị ở Việt Nam

10 sự thật thú vị ở Việt Nam

Có nhiều sự thật thú vị ở Việt Nam gây bất ngờ không chỉ du khách nước ngoài mà chính cả người Việt.

Trong bài viết này, Accomer chọn ra 10 sự thật thú vị để giới thiệu đến các bạn trong và ngoài nước, có thể chúng giúp ít nhiều để hiểu hơn về Việt Nam.

1. Giao thông rối rắm như mạng lưới nhện

Giao thông là một trong những điều quan tâm của hầu hết du khách khi đến thăm Việt Nam. Bởi, khi đặt chân đến đất nước xinh đẹp này, bạn chắc chắn sẽ trở thành nhân tố trong nhịp sống giao thông sôi động và kỳ quặc ở đây.

Hệ thống giao thông dày đặc
Hệ thống giao thông dày đặc. @kenh14official

Vào những khung giờ tan tầm là thời khắc giao thông Việt Nam bắt đầu trở nên nhộn nhịp. Đặc biệt, tại các ngã ba, ngã tư, khu vực vòng xuyến được xem như điểm hội tụ cho tất cả những sự “kỳ quặc” của giao thông nơi này.

Đứng ngay trước bất kỳ một vòng xuyến nào, đặc biệt nhìn từ trên cao, bạn sẽ thấy dòng xe cộ di chuyển vô cùng rắc rối. Nó trông như một cổ máy lạ lùng được lập trình sẵn theo công nghệ IA cho việc di chuyển trơn tru. Nhưng càng nhìn, bạn sẽ càng không thể hiểu được đâu mới là quy tắc chính đang được người tham gia giao thông áp dụng ngay trên đường. Nó như vòng tròn thôi miên khiến người ta hoa mắt.

Nhiều người cho rằng, có lẽ có một quy ước ngầm nào đó, hoặc giữa những người tham gia giao thông trên đường đang có mối liên hệ “thần giao cách cảm” để có thể hiểu rõ nhau trong giây tiếp theo họ sẽ di chuyển như thế nào. Trên thực tế, mọi người đều có ý thức trong việc tuân thủ pháp luật và di chuyển theo nguyên tắc nhường nhịn.

Nguyên tắc nhường nhịn đó đã trở thành thói quen trong mỗi người Việt Nam khi lưu thông trên đường. Và chính nó làm nhân tố quan trọng giúp giao thông Việt Nam trông rối rắm nhưng vẫn thông suốt.

Với một khách du lịch lần đầu đến Việt Nam, chúng tôi không khuyến khích các bạn tự lái xe ô tô, xe máy hay kể cả xe đạp trên đường phố, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh. Để đảm bảo an toàn cũng như đảm bảo chuyến đi được hoàn hảo, tốt nhất nên liên hệ với một công ty chuyên tổ chức du lịch, họ sẽ sắp xếp cho bạn phương tiện di chuyển hợp lý và tiết kiệm. Accomer luôn bên bạn để giúp bạn làm điều đó.

2. Sang đường là một trải nghiệm “nghẹt thở”

Việc sang đường, với người địa phương, trông có vẻ rất dễ dàng, nhưng với du khách nước ngoài là một thử thách “nghẹt thở”. Không ít du khách, trong lần đầu tới Việt Nam, đã mất khá nhiều thời gian chỉ để kiểm tra độ can đảm của bản thân trước vạch đi bộ sang đường. Ngay khi họ cố gắng đặt một chân xuống lòng đường, họ đã phải lập tức bước ngược trở lên lề. Nhiều du khách hài hước còn ví von rằng: lúc bạn đi sang đường ở Việt Nam là bạn đang thực hiện một tour du lịch mạo hiểm miễn phí, hoặc cũng có thể là đang tham gia một buổi lễ hội halloween độc đáo nhất hành tinh.

Mặc dù, trên mọi tuyến phố đều luôn có vạch kẻ dành cho người đi bộ sang đường, đồng thời pháp luật Việt Nam cũng quy định người đi bộ được ưu tiên, nhưng bạn sẽ không thấy bất kỳ phương tiện giao thông nào dừng lại để nhường đường cho người sang đường.

Người đi bộ cứ đi, trong khi các phương tiện giao thông sẽ di chuyển theo nguyên tắc “đường vòng”. Nghĩa là tài xế sẽ điều khiển phương tiện vượt qua ở phía trước hoặc phía sau người đi bộ, tùy thuộc vào khoảng cách, tốc độ người sang đường cũng như các phương tiện khác đang cùng tham gia lưu thông. Vì vậy, khi bạn sang đường, hãy bình tĩnh bước đi, không vội vàng chạy, và cũng đừng bao giờ quay ngược lại khi bạn đang thực hiện “chuyến phiêu lưu có một không hai” này.

Sang đường là một bộ môn mạo hiểm thú vị
Sang đường là một bộ môn mạo hiểm thú vị. @natwithu

Ở những nơi có tín hiệu đèn giao thông, việc sang đường có vẻ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên chủ quan vì tại nhiều điểm giao nhau, các phương tiện giao thông vẫn được phép rẽ phải khi có tín hiệu đèn đỏ.

Gợi ý hay dành cho bạn khi sang đường ở Việt Nam là hãy đi theo người địa phương. Bạn cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của người dân bản địa nếu vẫn không thể băng qua đường một mình. Tất nhiên, hãy nhớ rằng, trong trường hợp này, người già và trẻ em sẽ không thể giúp bạn giải quyết vấn đề.

3. Đất nước có nhiều xe máy nhất thế giới

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, mỗi ngày có hơn 8.000 xe máy được bán ra trên cả nước, tương đương với khoảng gần 6 chiếc xe máy được mua mới trong 1 phút. (nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-viet-moi-ngay-mua-hon-8-000-xe-may-da-phan-la-xe-honda-20230117161911532.htm) Như vậy, có thể thấy số lượng xe máy ở Việt Nam vô cùng lớn, và là phương tiện di chuyển cá nhân được ưa chuộng hàng đầu của người dân. Đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tỉ lệ người sử dụng xe máy lớn nhất thế giới.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh hay Hải Phòng, bạn sẽ bị choáng ngợp với hàng dài xe máy. Xe máy lưu thông ở khắp các con đường lớn, nhỏ. Đặc biệt, vào các khung giờ cao điểm, dù đang ở làn ô tô hay vỉa hè, chỉ cần có khoảng trống ngay lập tức sẽ có xe mày điền vào như một hiển nhiên.

Kẹt xe là chuyện như cơm bữa ở các đô thị lớn
Kẹt xe là chuyện như cơm bữa ở các đô thị lớn. @vuongkhang.motor

Giống hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi thường xuyên diễn ra hiện tượng kẹt xe kéo dài hàng giờ. Điểm khác biệt chính nằm ở lượng xe máy gần như ken đặc cả tuyến đường đang bị tắc nghẽn. Nếu bạn không may nằm trong dòng xe đang bị tắc đường ấy, nó sẽ là trải nghiệm khó quên khi mà khắp nơi nồng nặc mùi khói bụi, tiếng động cơ, tiếng còi xe, mùi hơi người và thi thoảng có cả âm thanh bực dọc khó định hình.

Nhìn từ trên cao, giữa dòng xe đang ùn tắc dưới phố, những chiếc ô tô vô tình lọt vào vòng vây xe máy sẽ còn như con mồi bất khả năng xê dịch. Hàng trăm chiếc xe máy nối đuôi nhau nhích từng bước ở phía trước, phía sau, bên trái, bên phải như đang muốn “nuốt trọn” từng chiếc ô tô đang nằm bất lực trên đường.

Dựa vào tính hữu dụng và thuận tiện khi di chuyển trên các con đường nhỏ hẹp, xe gắn máy trở nên phù hợp và được ưa chuộng ở Việt Nam. Từ đó, tạo nên một nét văn hóa giao thông rất riêng của đất nước xinh đẹp này. Một vài du khách thích mạo hiểm, khi đến đây, thường lựa chọn xe máy làm phương tiện di chuyển như một phần trong hành trình khám phá và trải nghiệm thú vị của mình. Tuy vậy, đây là trải nghiệm mà chúng tôi không khuyến khích bạn thử thực hiện bởi mức độ nguy hiểm là hiện thực.

4. Tinh thần khởi nghiệp và kinh doanh rộng khắp

Hàng ngàn cửa hàng lớn nhỏ, các tiệm cà phê, trà sữa, quán ăn hay tiệm quà vặt phủ kín các con phố là minh chứng cho tinh thần khởi nghiệp và kinh doanh của người Việt.

Bên cạnh những ngành nghề kinh doanh, sản xuất chủ đạo được nhà nước kiểm soát để cân bằng cuộc sống, xã hội, “tinh thần doanh nhân” của người Việt là yếu tố không thể thiếu góp phần làm nên diện mạo nền kinh tế đất nước. Một bộ phận đông đảo người Việt chọn cách kinh doanh tự do nhằm thực hiện mong muốn tự làm chủ của bản thân cả về thời gian, tài chính và phong cách sống. Đây cũng là kết quả nhờ vào sự đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế trong quản lý và điều hành của nhà nước.

Vì vậy, trên khắp Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, nhất là tại các con phố đông đúc, đan xen với những siêu thị, nhà hàng lớn là hàng loạt quán cóc, cửa hàng nhỏ. Chúng tồn tại và phát triển mạnh mẽ nhờ sự tiện dụng cùng giá cả cạnh tranh.

Tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, đồng thời, là nhân tố quan trọng giúp hình thành nên nền ẩm thực đường phố phong phú, đặc sắc ở Việt Nam. Từ đó, góp phần tạo dựng và đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam trở thành điểm cộng có sức hút mạnh mẽ với du khách nước ngoài.

Khởi nghiệp với mô hình cà phê rất phổ biến ở Việt Nam
Khởi nghiệp với mô hình cà phê rất phổ biến ở Việt Nam. @kafahaiphong

5. Nhiều nơi thịt chuột đồng và rắn vẫn là món ăn đặc sản

Đã bao giờ bạn hình dung ra việc trên bàn ăn sẽ bao gồm một đĩa thịt chuột hoặc đang tự tay chế biến món thịt chuột thật hấp dẫn ngay trong căn bếp của mình?

Ở Việt Nam, với nhiều người, thịt chuột đồng là món ăn đặc sản thơm ngon khó cưỡng. Họ có thể chế biến thịt chuột đồng thành vô số món ngon khác nhau như hấp, luộc, nướng, quay lu, áp chảo, xào sả ớt, rô ti,… Nó được dùng như món ăn thường ngày, món nhắm cho cánh mày râu nhâm nhi và là món ngon để đãi khách.

Với đặc điểm của một đất nước nông nghiệp chuyên canh lúa nước, chuột đồng là đối tượng quen thuộc không thể thiếu của người nông dân Việt Nam. Những con chuột có trọng lượng cơ thể tương đối nhỏ, sống ở các cánh đồng lúa nước, thức ăn chính của chúng là lúa và cây mầm non. Do đó, thịt chuột đồng khá sạch sẽ, thơm ngon và giàu dưỡng chất.

Thói quen ăn thịt chuột đồng có từ rất lâu ở các vùng nông thôn Việt Nam, khi mà đời sống người nông dân còn nhiều chật vật, thiếu thốn nguồn thực phẩm. Vào mùa nước nổi, chuột từ đồng lúa mất chỗ trú nên tìm đường đến những khu vực cao ráo hơn. Đó là lúc người dân cùng nhau bắt chuột về làm thực phẩm. Thói quen này kéo dài qua nhiều thế hệ và đến nay, thịt chuột đồng vẫn là đặc sản của người Việt. Nó như một phần trong nét văn hóa của nền nông nghiệp lúa nước.

Nhiều người vẫn thích ăn thịt rắn
Nhiều người vẫn thích ăn thịt rắn. Ảnh: ambermb/Pixabay

Bên cạnh chuột đồng, rắn cũng là thực phẩm của một nhóm không nhỏ người Việt. Do tính chất khu biệt của nguồn thực phẩm mà thịt rắn có giá thành tương đối đắt đỏ so với các món ăn thông thường khác. Tại nhiều khu vực, người dân còn xây trại nuôi rắn để cung cấp nguồn thịt cho các nhà hàng chuyên phục vụ món ăn đặc sản này.

Theo Đông Y Việt Nam, thịt rắn có vị ngọt, mặn, mùi tanh, tính ấm, có tác dụng khu phong, giảm đâu, trừ thấp và đặc biệt chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Vì thế, nhiều người sử dụng thịt rắn như nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể. Ngoài việc chế biến thịt rắn thành những món ăn thông thường như nấu cháo, nướng, xào sả ớt, xào rau ngổ, làm dồi,… Rắn còn là nguyên liệu giá trị cho món Rượu Rắn khoái khẩu của cánh mày râu Việt Nam.

Hiện tại số người ăn thịt chuột và rắn tại Việt Nam ngày càng giảm, nên số lượng nhà hàng bán các loại đặc sản này không nhiều và rất khó tìm. Thường chỉ những người địa phương mới biết nó ở đâu.

Ngoài món ăn lạ như chuột và rắn, bạn sẽ còn thấy nhiều người ăn trứng lộn, đuông dừa, tiết canh vịt, tiết canh lợn. Nhưng chúng tôi khuyên bạn nên đắn đo suy nghĩ cẩn thận trước khi thử bất kỳ món ăn lạ lùng nào ở Việt Nam.

6. Hà Nội là thủ đô nhưng kinh tế ở thành phố Hồ Chí Minh phát triển rất mạnh

Đã có nhiều du khách lầm tưởng thành phố Hồ Chí Minh là thủ đô của Việt Nam, nhưng chính xác, Hà Nội mới là thủ đô của đất nước thân yêu này. Và đây là hai thành phố lớn nhất, nằm ở hai đầu đất nước: Hà Nội ở phía bắc, Hồ Chí Minh ở phía nam.

Nếu Hà Nội là trung tâm hành chính đầu, thì thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước. Kinh tế tại thành phố này vô cùng năng động với đầy đủ các ngành kinh tế mũi nhọn như tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch, vận chuyển, logistic, công nghệ cao, công nghệ phần mềm, công nghiệp sản xuất. Chính sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, văn hóa và đời sống đô thị hiện đại đã đưa tên tuổi thành phố Hồ Chí Minh trở thành dấu ấn hàng đầu của Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam
Thành phố Hồ Chí Minh – Việt Nam. Ảnh: InstagramFOTOGRAFIN/ Pixabay

Mặc dù, cả Hà Nội và Hồ Chí Minh đều là đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế quan trọng của cả nước, nhưng mỗi nơi lại nổi trội với nét văn hóa, lối sống riêng biệt của mình. Dấu ấn văn hóa của từng nơi được thể hiện rõ ràng qua giọng nói, cách nói, ẩm thực, kiến trúc cũng như cách bố trí nhà cửa, hay văn hóa giao tiếp. Nếu có thể, đừng bỏ lỡ hai thành phố này khi bạn lịch đến Việt Nam nhé.

7. Một số nơi vẫn còn dùng bệ xí bệt

Bệ xí bệt là một kiểu bệ cầu mà người sử dụng nhất thiết phải thực hành động tác ngồi xổm -Asian Squat, một cách thuần thục. Không thể squat hoặc squat không đủ lâu chắc chắn bạn sẽ gặp rắc rối bốc mùi với bệ xí bệt này.

Ở Việt Nam, bệ xí bệt vẫn còn khá phổ biến, đặc biệt ở các vùng nông thôn, hay khu vực vệ sinh công cộng, bởi nó không là vấn đề rắc rối của người địa phương. Tuy nhiên, với du khách nước ngoài, đây lại trở thành điểm gây e ngại cho không ít người.

Nếu bạn đang đi du lịch ở Việt Nam, bạn sẽ phải học cách sử dụng kiểu nhà vệ sinh độc đáo này vì chúng có thể xuất hiện tại một vài điểm du lịch thuộc vùng nông thôn, nhà vệ sinh công cộng trong các điểm dừng hay trạm xăng trên chặng di chuyển dài. Hãy luyện tập kiểu ngồi Asian squat, vì điều đó giúp bạn có thể dễ dàng và tự tin hơn cho việc dùng nhà vệ sinh bệt.

Chúng tôi khuyến khích bạn nên “giải phóng mọi thứ thừa thải bên trong cơ thể” ở khách sạn trước khi lên xe đi tham quan. Bởi hầu hết nhà vệ sinh tại các trạm dừng nghỉ trên những tuyến đường đều có chất lượng không tốt. Mặc dù, tài xế luôn cố gắng lựa chọn địa điểm chuyên phục vụ khách du lịch để việc sử dụng “happy house” của du khách được thuận tiện. Tuy vậy, vẫn không thể tránh khỏi tình trạng nhà vệ sinh bốc mùi và chỉ có bệ xí bệt.

Bồn cầu ngồi bệt rất phổ biến ở Việt Nam
Bồn cầu ngồi bệt rất phổ biến ở Việt Nam. @taurahk

Vì vậy, bạn đừng thất vọng và không hài lòng với lái xe khi anh ấy không thể tìm được nơi có nhà vệ sinh tốt hơn như bạn mong đợi

8. Có một vùng đất là nơi ngự trị của chín con rồng

Thuộc khu vực phía nam Việt Nam, vùng đồng bằng sông Mekong được gọi là Cửu Long – nghĩa là chín con rồng. Bởi, nơi đây có chín nhánh sông lớn uốn lượn mang phù sa về cho khắp vùng châu thổ trước khi đổ ra biển, tựa hình chín con rồng đang vươn mình. Vì thế, người dân địa phương gọi nơi này Cửu Long, tức vùng đất của chín con rồng ngự trị.

Khu vực này có mạng lưới sông ngòi dày đặc, với mật độ giao thông đường thủy đứng đầu cả nước. Theo kết quả thống kê, hiện đồng bằng sông Cửu Long có tổng diện tích tự nhiên khoảng 40.816,3km2, trong đó, hệ thống sông rạch ở đây có tổng chiều dài là 26.550km. Như vậy, ước tính, trong 1km2 diện tích tự nhiên sẽ có 0,65km chiều dài đường thủy.

Từ đặc điểm tự nhiên đó, vùng đất này đã làm nên phong cách sống độc đáo, mang màu sắc văn hóa khá đặc biệt của người dân. Việc di chuyển, vận tải hàng hóa ở đây cũng phụ thuộc nhiều vào đường thủy và thuyền trở thành một trong những phương tiện giao thông quan trọng. Cuộc sống sông nước đã làm nên nét đẹp kỳ lạ, cuốn hút với nhiều du khách thập phương.

Hệ thống sông Cửu Long
Hệ thống sông Cửu Long. @hypatiaheuresis

Từ thành phố Hồ Chí Minh, du khách có thể lựa chọn tour 1 ngày để khám phá vùng đất “Chín rồng” duyên dáng này. Hoặc, nếu bạn có nhiều thời gian hơn, hãy chọn Cần Thơ làm điểm nghỉ đêm và trải nghiệm văn hóa miền sông nước qua chuyến tham quan chợ nổi Cái Răng vào sáng sớm hôm sau.

9. “Rối não” với việc: gọi sao cho đúng thứ bậc!

Xưng hô sao cho đúng với thứ bậc và quan hệ luôn là rắc rối “hại não” với không chỉ người ngoại quốc mà còn với cả người Việt, đặc biệt là giới trẻ.

Trước khi đưa ra quyết định về một cách xưng hô nào đó, người nói buộc phải xác định được mối quan hệ giữa họ và người đối diện. Nếu chỉ đơn thuần là bạn bè đồng trang lứa, hoặc người nhỏ tuổi hơn, bạn hoàn toàn có thể chỉ cần gọi tên của họ là đủ.

Ngược lại, nếu không thuộc hai nhóm đối tượng là bạn bè hay người nhỏ tuổi hơn, mọi việc dần trở nên rối rắm. Người Việt buộc phải gọi nhau theo đúng thứ bậc của từng người, mà thứ bậc đó lại chỉ được thiết lập trong mối quan hệ với từng đối tượng giao tiếp cụ thể. Nhưng, mối quan hệ của người này với những người khác nhau là không giống nhau, vì thế nó trở thành điểm “hack não” trong văn hóa giao tiếp Việt Nam.

Chẳng hạn, với cùng một người đàn ông tên “Nam”, nhưng trong từng mối quan hệ khác nhau, danh xưng của người đó sẽ không giống nhau, có thể là: cháu, chắt, em, anh, chú, bố, bác, cậu, dượng, ông và cụ. Và vì thế, bạn sẽ bắt gặp hiện tượng có lúc người đó được gọi là: Anh Nam, lúc khác là Chú Nam, Ông Nam, Cậu Nam, Bác Nam,…

Thứ bậc này rắc rối nhất khi nằm trong mối quan hệ họ hàng, nơi mà, có đôi khi một người lớn tuổi hơn nhiều lại phải gọi một người còn rất trẻ bằng Anh, Chú hoặc Ông.

Gia đình Việt Nam nhiều thế hệ
Gia đình Việt Nam nhiều thế hệ. @leeboa8892

Trong giao tiếp xã hội hàng ngày, thứ bậc trong xưng hô sẽ đơn giản hơn, cụ thể: với người nhỏ tuổi hơn chỉ cần gọi Em – xưng Anh/Chị; cùng trang lứa thì gọi nhau là Bạn; lớn hơn một chút gọi là Anh/Chị – xưng Em; lớn hơn từ 18-20 tuổi có thể gọi Chú/Cô – xưng Cháu; lớn hơn từ 25 tuổi trở lên có thể gọi bằng Bác – xưng Cháu; với những người già trên 70 hãy gọi họ là Ông/Bà và xưng Cháu.

Những quy tắc xưng hô này xem ra khá phức tạp. Nếu bạn viếng thăm một gia đình nào đó, tốt nhất hãy hỏi người bạn của bạn cách xưng hô sao cho phù hợp. Nếu bạn sơ ý gọi sai, không sao, chỉ cần nói xin lỗi và hỏi lại cách thức xưng hô cho đúng. Thường thì nhiều người vẫn vui vẻ với cách xưng hô chưa hợp lý vào lần đầu gặp gỡ.

10. Quán bia có mặt ở mọi nơi

Một đất nước nhỏ với gần 98 triệu dân, nhưng lại là nơi có số lượng bia được tiêu thụ khá lớn, ước tính năm 2020 người Việt đã uống 4.4 tỷ lít bia (nguồn https://plo.vn/bat-chap-dich-nguoi-viet-van-uong-4-4-ti-lit-bia-nam-2020-post609667.html).

Mức tiêu thụ cao là nguyên nhân để các hãng bia đua nhau phát triển và quảng bá rộng khắp cả nước. Giá bia ở đây khá rẻ cùng với sự nhạy bén của nhà sản xuất mà loại đồ uống đặc biệt này có mặt ở mọi nơi. Do vậy, đến Việt Nam, dù đang ở nông thôn hay thành phố, từ ngõ nhỏ đến phố lớn, bạn đều dễ dàng bắt gặp những quán bia. Nói một cách dí dỏm, Việt Nam sẽ là quán bia rộng lớn.

Hầu như, tại mỗi thành phố lớn của Việt Nam đều có một hãng bia riêng mang đặc trưng của địa phương đó, như: Huda ở Huế, Halida ở Hà Nội, 333 ở Sài Gòn, Laru ở Đà Nẵng,…

Đến Việt Nam thì phải đi nhậu
Đến Việt Nam thì phải đi nhậu. @localfoodguy_

Thử một vài loại bia có thể là trải nghiệm thú vị cho chuyến du lịch của bạn khi đến với đất nước “gặp nhau là phải “100% dô” này.

Nếu bạn là fan của bia, đừng bỏ lỡ những con đường được mệnh danh là phố bia, như: phố bia Tạ Hiển ở Hà Nội; phố đi bộ Bùi Viện ở Hồ Chí Minh; phố đi bộ Võ Thị Sáu ở Huế. Và, còn có hàng trăm nhà hàng khác nữa cũng đang sẵn sàng phục vụ bạn món bia mát lạnh.


Đó là những sự thật bất ngờ tiêu biểu mà Accomer muốn giới thiệu với các bạn. Mảnh đất hình chữ S này còn có khá nhiều điều thú vị khác nữa đang chờ đón bạn.

Hãy khám phá Việt Nam để được trải nghiệm những điều độc đáo, mới lạ và thú vị từ nền văn hóa tươi đẹp này nhé. Alo chúng tôi để thiết lập lịch trình cho mình ngay hôm nay!

Xuân Thịnh
Người yêu thích du lịch, Thạc sĩ Ngôn Ngữ và Cử nhân Báo Chí, mong đóng góp những bài viết chất lượng về điểm du lịch, dịch vụ, và trải nghiệm đến với đọc giả.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here